Ngồi nhâm nhi ly cà phê và tán gẫu với bạn bè giờ đây không còn là điều xa xỉ đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là người trẻ. Mọi người thường xuyên lui tới các quán cà phê nhiều hơn để giải khát, gặp mặt bạn bè và đối tác hoặc thậm chí quán cà phê còn là không gian học tập, làm việc lý tưởng. Chính vì thế, việc tự mở và kinh doanh cà phê đã trở thành một xu hướng. Và để có được sự thành công khởi đầu cho quán cà phê, bạn cần xác định phong cách riêng của mình. Hãy cùng tham khảo qua những mô hình kinh doanh quán cà phê đang rất hot hiện nay!
1. Mô hình chuyển nhượng thương hiệu (Franchise)
Chuyển nhượng thương hiệu chuỗi cà phê là cách mà cá nhân hay công ty sử dụng nguồn tài chính của mình để xin quyền sử dụng tên một thương hiệu nào đó đã có sẵn. Ngoài chi phí ban đầu, bên nhận quyền chuyển nhượng mỗi tháng sẽ phải trả thêm chi phí để duy trì sử dụng tên thương hiệu hoặc chiết khấu phần trăm doanh thu.
Bàn về lợi ích thì trước hết, Franchise giúp chủ đầu tư giảm thiểu rủi ro đến mức tối đa. Theo khảo sát của các chuyên gia, 90% dự án khởi nghiệp kinh doanh sẽ thất bại trong 3 năm đầu tiên. Nếu tự mình mở ra một cửa hàng cà phê mới toanh trên thị trường, người chủ phải tự mình đi những bước đầu tư như: lên ý tưởng, thiết kế và xây dựng, lên menu và công thức pha chế, điều tra thị trường, tìm kiếm khách hàng, xây dựng chiến lược thương hiệu, v..v…
Nếu bạn kinh doanh cà phê bằng hình thức sử dụng mô hình nhượng quyền thương hiệu, bên công ty mẹ sẽ có chính sách hỗ trợ, đào tạo, huấn luyện cũng như truyền đạt kinh nghiệm. Hơn nữa, bạn còn có thể tận dụng được nguồn lực từ phía nhượng quyền như nguồn khách hàng, các chương trình marketing hỗ trợ, chiến lược kinh doanh và quy trình vận hành. Chính những ưu điểm này đã khiến mô hình kinh doanh cà phê nhượng quyền rất phát triển trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, hình thức này cũng có nhiều điểm khó khăn như bên nhận quyền phải trải qua các cuộc kiểm tra gắt gao nếu mua quyền từ các thương hiệu nổi tiếng. Bên cạnh đó, phải luôn tuân theo các quy định và nguyên tắc nhượng quyền.
Xem thêm: Kinh doanh cà phê nhượng quyền – Nên hay không nên?
2. Mô hình quán cà phê Acoustic
Chẳng ai từ chối được một bài nhạc hay và cũng chẳng ai khước từ một ly nước cà phê đậm. Đó chính là công thức mà mô hình kinh doanh cà phê Acoustic thu hút khách hàng: nhạc hay và đồ uống. Acoustic là thể loại nhạc mộc mạc, gần gũi, nhẹ nhàng nên dễ lắng sâu và chiếm được tình cảm của người nghe. Hiện nay, xu hướng nghe nhạc acoustic đang được ưa chuộng không chỉ bởi người trẻ mà còn cả những cô chú trung niên yêu âm nhạc. Người ta đến các quán cà phê vào những tối cuối tuần để nghe những bài hát yêu thích, để sống trọn trong cảm xúc mà các bạn nhạc mang lại.
Đầu tư kinh doanh cà phê Acoustic có hai điều quan trọng mà bạn cần quan tâm, không gian và chất lượng âm nhạc. Đối với không gian, cần thiết kế một không gian quán thân thiện, ấm cúng và “chill” để phục vụ cho nhu cầu giao lưu trao đổi cũng như thưởng thức âm nhạc. Về phần âm nhạc, chủ quán phải lưu ý tới dàn âm thanh cũng như band nhạc mà mình cộng tác. Một band nhạc chơi hay, cảm xúc và duyên dáng sẽ giúp quán thu hút thêm nhiều khách hàng hơn.
3. Mô hình quán cà phê take away (Cà phê mang đi)
Nếu khách hàng mà bạn nhắm đến là dân văn phòng bận rộn, luôn cần ngay một ly thức uống để bắt đầu ngày làm việc của mình hay giải khát nhanh thì mô hình quán cà phê take away là lựa chọn hoàn hảo. Cà phê take away không còn là điều gì xa lạ đối với thị trường Việt Nam. Mô hình này được phát triển từ năm 2004 và đang trở nên cực kì phổ biến khi ta có thể dễ dàng bắt gặp nó ở những các vỉa hè hay gần những nơi đông dân văn phòng. Sự tiện lợi, nhanh gọn và giá cả chính là điểm mạnh của mô hình kinh doanh take away.
Kinh doanh cà phê take away đôi khi chỉ cần bắt đầu với một số vốn không lớn để trang bị một chiếc xe đẩy hay một quầy nhỏ ven đường. Thông thường thì mô hình này tập trung vào giá cả để cạnh tranh với những thương hiệu cà phê nổi tiếng. Vì bạn không mất nhiều chi phí vào mặt bằng hay nguyên vật liệu, nhân viên nên giá thành một ly cà phê chỉ dao động trong khoảng hơn 15.000 VND. Nhưng cũng có một vài thương hiệu cà phê take away nhắm vào phân khúc khách hàng trung cấp với giá mỗi ly nước từ hơn 40.000 VND như Effoc hay Passio và đang thành công.
Điều cần lưu ý chính là người chủ phải chọn được vị trí bán hàng phù hợp và thuận tiện, các tuyến đường đông xe cộ, tập trung nhiều tòa nhà văn phòng hay học sinh, sinh viên.
4. Mô hình quán cà phê phục vụ 24h
Không như những mô hình kinh doanh cà phê khác chỉ hoạt động đến 22h, đây là mô hình quán cà phê hoạt động 24/7, mở thâu đêm suốt sáng phục vụ nhu cầu của khách hàng. Một vài cái tên nổi tiếng trong mô hình cà phê thâu đêm này phải kể đến đó là Thức Coffee, Đen Đá, The Coffee Factory, Snob Coffee. Những quán cà phê này rất được lòng khách hàng khi họ trang bị đầy đủ những vật dụng cần thiết cho các hoạt động về đêm như máy tính làm việc, đèn học, gối ngủ, v..v…
Khi đường phố vắng dần, mọi người chìm vào giấc ngủ cũng là lúc những quán cà phê 24h đông đúc khách nhất. Đa phần người đến đây là các bạn trẻ. Họ tìm đến những quán cà phê thức thâu đêm này để trò chuyện, làm việc, học bài, trải nghiệm, ngắm thành phố yên lặng về đêm hay đơn giản chỉ là không có chỗ nào để đi.
Điều quan trọng bạn nên cân nhắc khi muốn kinh doanh cà phê theo hình thức mới mẻ này chính là không gian quán và địa điểm. Không gian cần thiết kế tập trung vào sự yên tĩnh, sự sáng tạo. Bên cạnh đó, mô hình này đặc biệt phát triển ở các thành phố lớn, đông đúc giới trẻ như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc kinh doanh cà phê hoạt động 24/7 cũng chứa nhiều rủi ro về vấn đề an ninh và phức tạp trong khâu quản lý. Mô hình này không trái pháp luật nhưng đòi hỏi chủ quán cũng như khách hàng phải biết giữ gìn trật tự an ninh để tránh gây ảnh hưởng đến những người dân xung quanh. Để duy trì hoạt động của quán, bạn cần phải tuyển được lực lượng nhân viên chịu khó và sẵn sàng làm việc vào ca đêm, trái với thói quen sinh hoạt hằng ngày.
5. Mô hình quán cà phê Board Game
Thật không gì vui bằng việc cùng bạn bè nhâm nhi một ly nước uống ngon lành và cùng nhau chơi những trò chơi board game vui nổ trời. Từ lâu, cà phê board game trở thành địa điểm giải trí cho các bạn trẻ, là nơi vui chơi, rèn luyện khả năng tư duy, suy luận cũng như kết nối bạn bè.
Khách đến quán sẽ được sử dụng và chơi các bộ game hấp dẫn như Triangle Game, Strategy Game hay Digital Game, tập “làm giàu” với cờ tỷ phú Monopoly, I’m the Boss hay thử tài thám tử với Cluedo junior, The Settle of Catans,… hay các trò chơi đã quá quen thuộc như Uno, Mèo Nổ, Cá Ngựa, Cờ tỉ phú,… Chính vì thế, chủ quán cần bỏ ra một chi phí kha khá để “tậu” những bộ game về nhằm phục vụ khách hàng. Nếu so với các mô hình kinh doanh cà phê khác, mô hình quán Board Game tốn nhiều chi phí hơn. Bên cạnh đó, nhân viên quán cũng phải được đào tạo để có khả năng hướng dẫn khách hàng chơi các trò chơi trong quán cũng như làm quản trò khi cần thiết.
Có nhiều cách thức để bạn thu hút các bạn trẻ đến với quán cà phê Board Game và một trong số đó là tổ chức giải đấu Board Game. Hình thức này bắt buộc khách hàng bỏ chi phí để tham gia và đây là cơ hội tốt để bạn quảng bá thương hiệu cũng như giới thiệu những bộ game mới mà quán có.